Đóng góp quan trọng của OMEGA trong nhiệm vụ giải cứu tàu Apollo 13

Khi sứ mệnh Apollo 13 khởi hành vào ngày 11 tháng 04 năm 1970, không một ai biết rằng những điều tồi tệ hoặc có thể là thảm họa đang đón chờ ở phía trước.

Được chỉ huy bởi phi hành gia kỳ cựu James Lovell, chuyến tàu có đích đến là mặt trăng. Nếu thành công thì đây là lần thứ ba loài người đặt chân lên mặt trăng và là một bước tiến tiếp theo trong dự án Apollo. Đồng hành là Phi công Mô-đun Chỉ huy Jack Swigert và Phi công Mô-đun Mặt trăng, Fred Haise, cả ba phi hành gia được trang bị đồng hồ bấm giờ OMEGA Speedmaster Professional – thuộc bộ dụng cụ chính thức của NASA cho tất cả các nhiệm vụ thám hiểm không gian có người lái kể từ năm 1965.

Những chiếc đồng hồ này được phân loại là trang bị quan trọng trong các sứ mệnh. James Ragan, kỹ sư của NASA, người đầu tiên thực hiện việc kiểm tra và đánh giá chất lượng của đồng hồ OMEGA Speedmaster vào năm 1964 cho biết: “Chiếc đồng hồ này là một phương tiện dự phòng quan trọng. Nếu các phi hành gia mất liên lạc với mặt đất hoặc đồng hồ bấm giờ kỹ thuật số không hoạt động, thì những chiếc đồng hồ đang đeo trên tay họ sẽ là chỗ dựa cuối cùng. Nó phải luôn sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.”

Và một tai nạn đã xảy ra với tàu Apollo 13 sau hai ngày được phóng đi. Một bình oxy đã phát nổ, làm tê liệt Mô-đun Dịch vụ và đẩy các phi hành gia vào tình thế thực sự nguy hiểm. Sứ mệnh đến mặt trăng phải hủy bỏ. Nhiệm vụ duy nhất vào lúc này là đưa phi hành đoàn trở về an toàn.

Một phần trong chiến lược giải cứu, được chỉ đạo từ Houston, là chuyển các phi hành gia sang Mô-đun Mặt Trăng. Tuy nhiên, Mô-đun này không được chế tạo để chứa nhiều người  trong một thời gian dài. Nhằm để tiết kiệm năng lượng, phi hành đoàn phải tắt gần như toàn bộ nguồn điện – đồng nghĩa các máy bấm giờ kỹ thuật số trở nên vô dụng, còn các phi hành gia phải chịu đựng trong điều kiện tối và lạnh.

Tàu Apollo 13 đã đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong các ngày tiếp theo, trong khi đó NASA dốc toàn bộ sức lực nhằm vượt qua tình huống ngày càng xấu đi. Và niềm hy vọng được thắp lên, khi độ chính xác của những chiếc đồng hồ OMEGA được tận dụng.

Do con tàu đã đi chệch hướng khoảng 60 đến 80 hải lý, nghĩa là khi mô-đun tiếp xúc trở lại bầu khí quyển của Trái đất sẽ ở một góc sai và bị đẩy trở lại không gian mãi mãi.

Để điều chỉnh lại hướng đi của con tàu một cách thủ công, động cơ cần phải được đốt chính xác trong 14 giây. Một tình thế không chấp nhận bất kỳ sự sai sót nào. Không có đồng hồ bấm giờ kỹ thuật số, Swigert đã sử dụng đồng hồ bấm giờ OMEGA Speedmaster của mình để tính thời gian đốt cháy động cơ, trong khi đó Lovell chuyển hướng con tàu và sử dụng đường chân trời của Trái đất làm tham chiếu. Chỉ huy trưởng James Lovell sau này cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng chiếc đồng hồ OMEGA được đeo trên tay Jack, còn tôi phải chuyển hướng con tàu. Jack đã canh thời gian đốt của động cơ chuẩn xác với hướng cần điều chỉnh của con tàu nhằm đưa chúng tôi trở về an toàn.”

May mắn thay, mọi tính toán được thực hiện chính xác một cách hoàn hảo, ngày 17 tháng 4, sau 142 giờ 54 phút được phóng khỏi mặt đất, tàu Apollo 13 đã đáp xuống Nam Thái Bình Dương an toàn. Chiếc đồng hồ đã hoàn thành xuất sắc vai trò đã được định sẵn.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 1970, OMEGA đã được trao tặng giải thưởng “Silver Snoopy Award” từ NASA – một huân chương ghi nhận cho những đóng góp vào sự thành công của các sứ mệnh bay vào vũ trụ của con người. Khi giải thưởng danh giá này lần đầu tiên được khởi xướng, Snoopy đã được chọn là linh vật không chính thức của NASA bởi khả năng giữ mọi thứ nhẹ nhàng trong những tình huống nghiêm trọng. Chú chó luôn tập trung vào nhiệm vụ và có vai trò như một “cơ quan giám sát”.

Chiếc ghim cài áo bằng bạc này như một sự khẳng định về lịch sử khám phá không gian của hãng OMEGA, cũng như những đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ giải cứu tàu Apollo 13 thành công.